A great night!


Thật tình chẳng bao giờ có gì đó là hoàn hảo, mà đôi khi có những sơ sót, vấp váp, mới thấy được nhiều điều khác quan trọng hơn, và nó làm cho điều vốn không hoàn hảo kia lại càng tăng giá trị.

Vào một đêm diễn nào đó chắc chừng 4-5 năm trước, trong một chương trình biểu diễn nội bộ trong không gian ấm cúng nhà cậu bạn, đó là một đêm đầy nước mắt (đúng nghĩa đen) đối với vài nghệ sĩ. Mình chả biết có phải “ông kẹ” hay không, nhưng sau khi đàn xong, một bé trong nhóm chạy ra sau hành lang rồi thút thít, “em sợ bác Wal buồn”, mình cười xuề, có chi đâu, có đến mấy nghệ sĩ quên bài, và một bé trong số đó giờ lên sân khấu vững vàng hơn rồi, đợt đó thì hình như ẻm cũng bỏ nửa bài, chạy ra sau hành lang, đỏ mắt. Ngày đó Mai Hồng dẫn chương trình lần đầu cho nhóm – nhờ mấy lần mình nghe hòa nhạc bên Nhạc Viện, có chụp cho MC mấy chương trình rồi… quen. Chương trình đó, Mai Hồng động viên bé ấy, bảo gắng lên, dù bài nát như thế nào cũng phải chơi cho hết bài, đừng bỏ cuộc, và em ấy làm được, trong hôm đó, cho tới giờ.

Năm ấy có cả chục chương trình diễn ra, và cho đến nay có hơn 70 chương trình đã trôi qua, vẫn đọng lại trong mình những ký ức vụn vặt của một đêm đầy vết khuyết, và cũng đầy những ấm ám trao nhau ấy, nó làm những thành viên tự ngày ấy cảm thấy chính nơi này đây như một gia đình bé nhỏ, một nơi để-ở-lại, để chia sẻ cùng nhau.

Chương trình hôm nay, đã khác nhiều ngày ấy, chẳng còn trong không gian nhỏ xinh giữa lòng thành phố, với vài chục con người ngồi san sát bên nhau. Giờ thì khách đã gấp 5, những con người cũ của Nhóm lọt thỏm trong con số lẻ của hàng trăm, chẳng có gì lạ. Vẫn những con người cũ, và thêm những nhân sự mới tham gia lần đầu, họ cũng đến sớm, từ 10g, từ 14g để lo cho các khâu được chỉn chu, “sếp” chăm lo sự kiện hôm trước đó lập danh sách hỗ trợ, phân bổ công việc, rồi leo máy bay đi-đâu-đó, để các thành viên mới-cũ bơ vơ, ẻm để lại câu an ủi, đại loại: dù thế nào đi nữa thì anh Lâm vẫn chạy tốt, phải không. Mình thường 16g mới đến, nay lót tót 14g hơn có mặt, rồi cùng anh em sắp xếp khán phòng, hì hục, tới hơn 5g các bạn nữ tới, thì mọi việc đã gom gom, tươm tất các khâu. Làm một số chị em thong thả, có người ngồi thư thả lấy sách, đọc chơi.

Chương trình này thì mình hơi đuối phần MC, khai thác nội dung theo phần mào đầu truyền thông thiệt nhức óc, may mà bài vở tìm cũng ra được nhiều nội dung hay, và nhờ các bạn dịch cũng quá xuất sắc.

Mình thương 2 MC, một MC bình thường rất “hot”, nay mặc quần dài, vì té xe hôm qua, chân còn thâm, trầy chưa hết. Một MC tới trễ, cũng bị té, ướt cả người, giày thấm nước, đến gần cuối chương trình giày “nở hoa” đầu mũi, thấy thương. Em ấy vừa kể vừa “khoe” vết hở, tự hỏi liệu không biết có ai chú ý thấy không, mà có không thấy thì mình cũng… đưa ra đây rồi, cho mọi người nhớ lại… chơi. Em ấy bùi ngùi, lần đầu tiên đứng trước đông người vầy trong bộ dạng người thì ướt, giày thì hư…

Các nghệ sĩ thì mình thương cặp đôi Trang-Thảo flute. Cả hai đã cố hết sức và không bỏ cuộc: lỗi, cứ điềm tĩnh bơ qua. Và cuối tiết mục thì Thảo đi đến chỗ Trang, dắt chào khán giả. Kỳ này mình “hành” em Trang thiệt, chương trình nào cũng “lôi” vào uýnh, tháng 6 tới 3 chương trình, mà em ấy ớn nhất là đệm Mozart, vì xưa giờ gặp Mozart là… chạy, những ngón chạy của Mozart khó nhằng, nhất là 2 bài concerto trong chương trình này, làm em ấy căng đầu mấy tuần nay để mài, luyện. Còn các nghệ sĩ khác, cũng đang vào mùa thi, song phải bỏ nhiều thời gian bài vở cho Nhóm để luyện tập. Xưa thì có thêm “tiết mục” hồi hộp sợ nghệ sĩ… hủy “show”, nay thì an.

Mình bắt gặp lại phần nào đó cái không khí ngày xưa cũ trong không gian “mới”, nó làm những con người không quen biết, đã quen biết gắn kết với nhau hơn, để cùng hỗ trợ, cùng nhau đi lên, vượt qua, và lần nữa, làm thành một đêm “great night”, “đêm thật là đêm”, như Mạnh nói cuối chương trình!

Wal
4.6.2017

Nhạc Đoàn Chuẩn


* Ghi theo đề nghị (và không theo đề nghị) của chị Thóc sau đêm nhạc Đoàn Chuẩn, vì mình đã qua cái thời ghi lại cảm xúc khi nghe, giờ chỉ ghi lại những kỷ niệm và ký ức, vụn vặt, lắp vào.

Xưa, thuở mình không định hình được đâu là nhạc tiền chiến, tình ca trước 75, thuở ấy thi thoảng nghe trên tivi hoặc đài, lại bắt gặp một số bản tình ca yêu thích, rồi tự hỏi làm sao gom được những bản nhạc yêu thích này. Hồi đó mình tình cờ biết Đoàn Chuẩn qua bản thu của Tuấn Ngọc, bài “Lá đổ muôn chiều” trong một CD mp3 bán đầy ngoài tiệm, thuở có một thời cứ bật đi bật lại, không rõ hàng xóm có bị ám ảnh không.

Một dạo nọ, cô bạn mình tình cờ nhắc một bản thu rất thú vị của Ngọc Bảo về nhạc phẩm “Gửi người em gái”, cô bạn khen và như muốn truyền thứ cảm xúc đó lại cho người đang được kể. Ngọc Bảo chỉ có ra 2 CD sau này, trong đó có thu âm “Gửi người em gái” với lối trình bày như một bản ballade, khác với các nghệ sĩ khác. Bài này Đoàn Chuẩn viết gửi cho Mộc Lan – trong một lần cô ra ngoài Hà Nội hát “Đi chơi chùa Hương” tại Nhà hát lớn và lọt vào mắt ông (Mộc Lan gốc Hải Phòng, vào Sài Gòn sống từ cuối thập niên 40). Mà thực ra không chỉ Đoàn Chuẩn, Hoàng Trọng sinh thời cũng đem lòng yêu mến tài nghệ cô (Mộc Lan là ca sĩ chính trong ban Tiếng Tơ Đồng mà ông làm trưởng ban nhạc). Mình cũng rất mến mộ giọng cô Mộc Lan. Có một lần đi ra Nhã Nam thư quán lượn lờ hội sách cũ, mình tình cờ thấy một tập sách “Những người đàn bà trong gia đình Kennedy” của ai đó đề tặng nữ ca sĩ Mộc Lan, cầm nó, có chút ngậm ngùi, vì vết dấu thời gian. Và một năm sau, nữ ca sĩ Mộc Lan ra đi…

Vào thời điểm chia cắt Bắc Nam, các ca khúc của Đoàn Chuẩn, một số phải sửa lại lời để được hát tại miền Bắc, nên bài “Gửi người em gái” trong một số bản thu đã bị đổi lời, như của Ngọc Bảo, Lê Dung.

Nhạc Đoàn Chuẩn, mình thích giọng Lê Dung, CD Lê Dung hát nhạc Đoàn Chuẩn bản thu nào cũng tuyệt, tiếc rằng nó chỉ gom 10 tác phẩm. Có một số ca khúc trước 75 không thấy bản thu, như “Vàng phai mấy lá”, bản thu này mình vẫn thích Lê Dung hát nhất, ngoài ra cũng thích bản thu của Mai Hương thu âm trong đĩa cùng tên. Một lần nọ đi nghe nhạc sống ở Hi-end Nguyễn Đình Chiểu, cũng được nghe nhạc phẩm này, anh MC làm mình nể vì dường như anh ấy cũng tìm hiểu khá kỹ, hoặc anh ấy cũng mê nhạc Đoàn Chuẩn nên giới thiệu khá chi tiết về tác phẩm, và kể cả việc điểm qua các bản thu. Ngoài ra còn “Chiếc lá cuối cùng”, “Một Gói Nho Khô, Một Cánh Pansé”…

Có một bản thu khác sau 75 không thấy ai thu âm hoặc hát lại, đó là tác phẩm đầu tay “Ánh trăng mùa thu”, trước 75 chỉ thấy sót lại bản thu của Thái Thanh, có lẽ nhờ bản thu này mà người đời biết nó ra sao. Và có vài ca khúc khác đến nay cũng không thấy ai hát.

Trên mạng có cho biết một sáng tác cuối cùng của ông, “Màu nắng có bao giờ phai đâu”, sau bao năm, dường như chất Đoàn Chuẩn vẫn vậy: man mác màu ly tan, man mác một tình yêu không trọn, vào một thu nào đó, thu của chia phôi…

“Anh đi quên dáng xưa
em đi quên ước mơ
để mùa thu lá bay lững lờ”

Wal
13.5.2017

“Cho trăm năm vào chết một ngày”


Ngày đi, mình ghé lại Măng Đen chóng vánh, xe ngang qua những núi cùng đồi, phủ màu xanh của cây cao su cùng cây bụi cỏ, Kon Tum giờ bốn bề rừng cao su, phải đến gần Măng Đen mới còn những mảnh rừng rậm rịt các loài cây.

Măng Đen lần đó mình đi đã hơn 10 năm trước, khi các dự án xây biệt thự đang triển khai dở dang và đã có dấu hiệu bỏ ngang. Giờ quay lại, nhiều trong số đó vẫn chưa hoàn thành, nhiều biệt thự đề bảng bán bên ngoài. Mình thì chỉ tiếc những rừng cây…

Măng Đen chiều nay bỗng đổ mưa nặng hạt, xe vòng vòng vài điểm, ngắm cảnh trên xe rồi quay đầu lại Tp. Kon Tum. Cung đường đèo vẫn đẹp, rất đẹp, dù nắng hay mưa, càng ngắm càng mênh mang buồn, tốc độ “cao su hóa” núi đồi rồi cũng sẽ lan đến Măng Đen, một ngày không còn xa?

***

Về, cậu bạn chở dạo đi một vòng quanh khu bờ kè, hai bên sông. Cậu bạn đùa bảo: “Nhờ” có dự án quy hoạch khu đô thị mới hướng này mà mình mới được ngắm cảnh đẹp như thế này, chứ hồi xưa làm gì có lối để đi mà ngắm. Cảnh đẹp thật, những ngôi làng này ắt hẳn ít nhất một trong số đó được nhà văn Nguyên Ngọc nhắc đến trong các bút ký của mình về Kon Tum, về những ngôi làng ven sông ngày cũ vào những năm ông lặn lội trên này. Không ít người đồng bào khu vực này bị giải tỏa và đẩy đi ra một nơi khác xa hơn ở phía Hòa Bình, nơi những ngôi nhà cấp 4 cất sẵn, một khuôn. Con đường chạy dài, cắt ngang mấy cung đường làng, chia rẽ mấy làng, mấy ruộng… Đánh đổi cho việc chuyển mình thành đô thị loại 2, có quá lớn không?

Wal
2.5.2017

Đà Nẵng – Quảng Nam, 2016


Dự định đi Hội An vào ngay hôm chủ nhật nhưng thấy lu bu nên chuyển sang thứ 2 cho thong thả, đúng là dự báo thời tiết ở Đà Nẵng đúng: nghe nói là trời có mưa lất phất không đáng kể, còn thời tiết ở Quảng Nam thì không xem nên không biết là hôm đó trời có mưa, chỉ kéo dài chừng 1 tiếng đúng vào lúc đang trên đường đi tới làng chài Tam Thanh khi vừa qua cầu Cửa Đại.

Hành trình đi có… nhầm lối “nhẹ” khi vừa qua cầu rẽ ngay vào đường bê tông để đi vào khu làng nhỏ bên trong – mà lẽ ra lối rẽ đó vẫn chưa đến, nhờ vậy mà cũng tình cờ chụp lại được cảnh cây cầu dễ thương bắc qua dòng suối nhỏ, và tình cờ “gặp” lại những hương quen từ một vài nhà làm nước mắm, mùi nồng nồng mằn mặn tỏa ra, rồi mùi ẩm mốc có lẽ từ một đống gỗ nào đó xộc ra khi gặp cơn mưa…

Cung đường còn lại chạy dọc bờ biển, hai bên đường là những ngôi mộ “mọc” trên cát trắng nằm rải rác có lẽ dài đến gần chục kilomet, chen vào là những xóm nhỏ, yên bình. Cơn mưa lúc này có phần nặng hạt hơn, trút xuống đợt dài làm hai ống quần và đôi giày mẹp ướt, tốc độ chạy chậm hơn, phải đến 10g hơn mới tới làng chài bích họa Tam Thanh.

Việc khai thác khu làng chài ven biển này để làm du lịch thấy cũng khá hợp lý, bản thân làng này nếu không có những bức tranh được vẽ lên tường, bờ rào vào tháng 6/2016 trong chương trình hợp tác Việt-Hàn thì nó cũng đầy những nét dễ thương mà nếu ai đó dừng chân lại và đi dọc các ngõ ngách thì cũng có thể bắt gặp. Nó làm cho du khách có thêm lý do để đến thành phố Tam Kỳ chứ không hằn chỉ dừng lại ở Hội An để thăm thú.

Mình cũng định ghé Tam Kỳ, rồi đi cung đường chính đó về Hội An, nhưng dừng chân lại bên làng chài hơi lâu, đến tận 4g chiều nên đành lỗi hẹn với bạn tại Tam Kỳ, để rồi vòng ngược xe lại đi cung đường cũ, được hơn chục kilomet rồi rẽ ra đường chính, chạy thẳng về Hội An, đến nơi 5g chiều. Lòng vòng, phố cổ, ăn uống, đi thuyền đến 7g tối trở về Đà Nẵng.

***

Hôm trước đó trong bữa cơm chiều, mình được giao làm món mắm ruốc để chấm thịt luộc. Trời, là loại mắm ruốc chà mà mình mê, lại được nghe là hàng đặt riêng nên đảm bảo chất lượng, hũ mới chỉ được quệt một tí để ăn nên còn đầy ắp. Làm xong, mắm ngon chưa từng thấy, định bụng sẽ mua nhưng được tặng “ôm” về.

Ngày về, hũ mắm ruốc chà được gói ghém cẩn thận trong bọc, dán băng keo kỹ càng, những tưởng Jetstar cũng tựa như VietnamAirline cho xách tay mắm lên theo quy định mới gần đây, dè đâu bị cấm, đành ngậm ngùi bỏ lại tại sân bay.

***

Về tới Sài Gòn, trời âm u tợn, vội vã chạy về, lại giờ tan tầm nên khi tới quận 4 mưa như trút nước, lượng nước đổ xuống 5 phút như bằng gần cả tiếng khi chạy đến làng chài, vì ngần ấy phút thôi giày và quần lần nữa “tắm”…

Wal
27.9.2016

Tây Bắc 2017: 14.2. Lai Châu – Yên Bái


Sớm, mình mở cửa sổ để ngắm quang cảnh đồng lúa phía bên ngoài, nắng vẫn chưa xuyên qua được lớp sương mù và mây.
Hành trình của ngày ghé lại bản Bo, chạy thẳng tiếp tới Mù Cang Chải, và dự định nghỉ chân tại Nghĩa Lộ. (Lộ trình ban đầu: đi tới Lai Châu, lòng vòng ở đó rồi về Lào Cai, thì chuyển thành đi qua luôn Mù Căng Chải, về Hà Nội, rồi trả xe máy về Lào Cai).

Bản Bo đúng là một nơi nên ghé đến, cảnh xóm làng, đồng ruộng, suối, cầu treo… làm chỉ muốn dừng chân nán lại lâu hơn.

Mù Cang Chải thì đẹp theo vẻ của một nơi được chăm chút nhờ du lịch, nên đẹp nhưng chưa mấy ấn tượng, có lẽ phải đến mùa lúa chín mới thực sự hấp dẫn hơn. Cung đường đến Mù Cang Chải có nhiều điểm để suýt xoa và thấy thú vị hơn, cũng nhiều điểm thấy buồn vì những “vết sẹo” ở nơi đây, từ những khu khai thác đá, khai thác đất cát nằm dọc bên suối ngay quốc lộ làm loang lổ núi đồi và gây ô nhiễm nguồn nước, bụi bám đầy cả một vùng, trong đó có cả khu dân cư cũng hứng chịu, và có vẻ lặng im…

Việc khai thác các làm mình cũng chợt nghĩ đến những ngôi nhà của các dân tộc miền núi, không gỗ thì vách đất sét, không dùng cát và xi măng bởi vì những thứ này ngày xưa không sẵn, mà cát hiện giờ cũng biết lấy đâu ra, nếu khu vực ấy không gần sông, gần suối. Nên ở mấy tỉnh Tây Bắc đi ngang qua, những nơi buôn bán (hoặc trữ) cát đá, cát họ trữ kỹ bên dưới một lớp bọc màu đen (nilon, hoặc một lớp vật liệu nào đó khác chắc hơn, khó bị bào mòn bởi thời gian), rồi chặn thêm nhiều túi chứa cát nhỏ bên trên để bọc khỏi bị thổi bay.

Con đường đi qua Mù Cang Chải có khá nhiều cây gạo, chúng đang vào mùa, hoa nở rộ đỏ cả cây, có đoạn đường hai bên đèo hàng chục cây nằm tiếp nối nhau, làm cung đường thêm đặc biệt.

Trước khi đến Mù Cang Chải, mình có dừng lại tại một chợ, rồi chọn vài cái áo đệm ngồi. Đêm, khi xe đến Văn Chấn, ăn tối và tình cờ được một cậu người Thái trắng ở đó bảo rằng loại đệm này xưa chỉ có con gái làm tặng gia đình con trai trước khi về nhà chồng.

Từ Mù Cang Chải đi đến Văn Chấn phải qua đèo Khao Phạ – một trong những đèo hiểm trở và dài nhất quốc lộ này. Thực ra thì cũng không đến nỗi đáng lo, nhưng 5g chiều mới bắt đầu leo, mà chưa leo đã thấy sương mù đang lờ lờ trước mặt, nên cung đường tiếp theo hứa hẹn đầy gian truân, phải đi cả tiếng, và nhìn theo vạch phân cách để đi, hết đèo tới khu dân cư đã là 6g15.

Tới nơi, vào phòng, và mở wifi, một vài tin nhắn đến, có tin thả tim, có tin bảo mình giấu gấu (tưởng là người đi cùng) kỹ dữ, mình bảo: cô gấu thực sự của mình chắc đang ghen và sầu ở nơi khác, chứ không phải cô này, yêu sau khi đặt lịch đi Tây Bắc thì mọi chuyện đã rồi, mình đi là đi.

Wal
14.2.2017

Tây Bắc 2017: 13.2. Y Tý – Cầu Thiên Sinh – Tam Đường


Sớm, loa phát thanh đồn biên phòng tiếp tục nhiệm vụ báo thức cho cả… khu phố núi. Chốc sau, lũ chim sẻ tíu tít gọi nhau ngoài sân làm buổi sáng sớm mờ sương ngợp trong tiếng chim.

Dự định buổi sáng đi cầu Thiên Sinh, nối liền biên giới Việt Nam và Trung Quốc. Đây là cây cầu ngắn nhất, nhỏ nhất thế giới, chỉ dài độ chừng 2-3m, bắc ngang khe núi bị chẻ đôi do quá trình kiến tạo địa chất (khe chỉ chừng 1m), tít sâu bên dưới là dòng suối Lủng Pô ồn ào cuộn chảy ngày đêm. Ngày trước, người dân đi bằng cách vượt qua những khối đá, để qua bờ bên kia, sau này mới xây thêm cầu thô sơ để qua lại, và sau đó nữa, Trung Quốc xây thêm lan can bằng đá granit để an toàn hơn, vì bắc ngang khe núi như vậy nên nó có tên gọi là cầu Thiên Sinh. Phía bên Trung Quốc, người ta làm đường nhựa đến tận chân cầu, phía Việt Nam vẫn còn là con đường đất đá, khó đi. Bên dưới cầu hơi bẩn, vì toàn bộ rác được hai bên tống xuống, mặc cho nó bị cuốn trôi, hoặc bám dính đâu đó ở hai bên khe núi. Ở đây cũng có hoạt động trao đổi lương thực với phía bên kia, buổi sáng mình đi, thấy vài ba chiếc đang đỗ ở phía Việt Nam, và 1 xe bốc dỡ hàng loại nhỏ đủ đi qua cầu bốc dỡ hàng, để đi qua phía kia…

Con đường đi xuống quang cành thật đẹp, đi xuống chừng 4-5km đã thoát được lớp sương mù vây phủ, để có thể ngắm nhìn trọn những ruộng bậc thang cùng dòng suối bên dưới. Đường được đồ bê tông nên cũng tương đối dễ đi, trừ vài đoạn đường hư, may là mùa khô nên không mấy lầy lội.

Quay về đã là 11g trưa, gói ghém đồ rồi vòng đi thẳng tới Tam Đường – Lai Châu. Con đường tiếp theo vẫn đầy gian nan, vừa đối diện sương mù, vừa liên tiếp gặp phải ổ gà do đường xấu. Cũng may chỉ cỡ chừng 15km đầu là thoát được cả hai. Cung đường đi qua Mường Hum khá nhiều nhà người dân sống hai bên lối đi, nên ruộng bậc thang cũng nhiều hơn, nhiều cảnh thật nên thơ. Khu vực này có vẻ nuôi nhiều lợn cắp nách, đi dọc mấy km đường thấy chúng nhởn nhơ trên đường, trong vườn, từng đàn từng đàn tíu ta tíu tít bên nhau, có chị lợn đang chữa thủng thẳng băng qua đường, bụng sệ chốc chốc lại cà vào mặt đường, thấy thương, thi thoảng lại bắt gặp vài chú lợn bên đường tựa vào cột bê tông (giống mốc lộ giới) rồi cạ vào, cho đã ngứa.

Hơn 1g, xe mới tới Mường Hum, mình lòng vòng đi tìm chỗ ăn, thấy chỗ đông đông xe, cô ngồi sau xe bảo chạy đến đó thử, biết đâu là chỗ ăn uống ngon, bèn đi ngang qua, xong cô bảo, à, bọn nhóc chơi điện tử, xong mình quay ngược xe vòng lại chợ, cô ấy mới nhìn lên tấm bảng chỗ đông đông xe lúc nãy, lẩm bẩm đọc: Gà me. Mình suýt ngất vì cười! Chắc đói nhìn đâu cũng ra món ăn!

Sau bữa trưa, mình chạy thẳng tới Ô Quy Hồ, đổ xăng rồi chạy tiếp tới Tam Đường. Xe gần như gặp sương mù liên tục, tới Ô Quy Hồ vẫn sương mù giăng phủ, nhưng bớt dày hơn, nơi này có gió thổi ngược lên nên sương mù có tan đi đôi chỗ, làm lộ cảnh mờ ảo phía bên dưới đèo, tuyệt đẹp. Mình tháo kính để dễ nhìn hơn (do sương mù bám), nên cảnh đẹp càng thêm… mờ ảo. Càng xuống dốc, sương càn tan, để cảnh đẹp hiện dần. Nếu đi đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) thấy những ngọn núi đá sừng sững đầy hùng vĩ, và cuộc sống khắc nghiệt của đồng bào trên những đỉnh non cao thi đèo Ô Quy Hồ cảnh vật đầy sức sống theo một vẻ khác hơn, vẫn là những ngọn núi cao to, nhưng sự sống đầy rạo rực, từ sắc xanh bao phủ những núi cùng đồi.

5g xe đã đến được Tam Đường, xe rẽ vào đường quốc lộ cũ, nơi đông dân cư sống hơn, đường này nghe kể được Trung Quốc làm xong đâu năm 78, rồi năm 79 họ đem quân sang đánh… Mình nghỉ tại một nhà trọ, phòng nhìn ra phía sau là ruộng lúa mênh mông, khi chiều về, hoàng hôn buông xuống trông cảnh càng nên thơ.

Anh chị chủ nhà dễ thương, bảo nhà có bếp, muốn dùng cứ lấy, thế nên cô bạn bày ra trò bún đậu mắm tôm, rảo chợ gần đó mua hết các thứ mà đậu thì sạch trơn, bèn chọn mấy thứ rau khác thay thế, mà mắm tôm thì cũng chẳng đúng vị mong… Sau đó ngồi ăn chung với anh chị chủ nhà, ăn uống no phủ phê…

Wal
13.2.2017

Tây Bắc 2017: 11-12.2: Hà Nội – Lào Cai


11.2. Hà Nội

6g chiều, khu bờ hồ gần kem Tràng Tiền, một loa phát thanh nào đó bật bài hát tuyên truyền về môi trường từ thập niên 90 do một tốp ca thiếu nhi trình bày, mình ko nhớ rõ là thường được nghe ở đâu, nếu không tình cờ nghe lại chắc cũng quên đi… “Tổ quốc Việt Nam xanh ngát, có sạch đẹp mãi được không? Điều đó tùy thuộc hành động của bạn, chỉ thuộc vào bạn mà thôi.”

Hơn 9g tối, bạn mình bảo nên đổi nhà xe, không nên đi Sao Việt, rồi cho số điện thoại của chỗ Luxury Vân nhưng gọi không thấy bắt máy, bèn tra google thì cũng ra tên nhà xe, số điện thoại, cái rồi vội vàng đặt 2 chỗ, rồi hủy 2 vé kia, nhưng thấy ngờ ngợ tại sao lại đón cùng một chỗ số 789 Giải Phóng – của Sao Việt, chốc gọi lại hỏi thử mới ngớ ra là trang trên kia “treo đầu dê bán thịt chó” số điện thoại. Luxury Vân cũng chỉ chạy các tuyến sáng hoặc chiều, nên đành chọn Sao Việt đi.

12.2. Lào Cai – Y Tý

3g30 tới nơi, ngồi chờ ở nhà xe tới 6g hơn rồi thuê xe, xuất phát đi, ghé ăn sáng món bánh cuốn tại chỗ cách đây 4 năm từng ghé trong hành trình lần đầu tiên đi Tây Bắc.

Ngoài đường lạnh run, trời càng lúc càng lạnh khi đi xa khỏi thành phố hướng đến Y Tý – dọc con đường đi ven sông giáp biên giới Trung Quốc. Nhìn, ta có thể thấy rõ nét khác biệt về việc xây dựng đường giao thông giữa hai bên: Việt Nam làm đường men theo triền núi, nên đường quanh co và dốc, Trung Quốc xây cầu những khúc quanh co để giảm khúc khuỷu, chia cắt ranh giới hai bên là con sông Hồng rộng lớn.

Trước khi đến đoạn men theo dòng sông, xe đi qua khu khai thác đá, núi biến thành những đồi đá vụn, và một khoảnh đất rộng lớn tựa như hồ, hoặc xưa từng chứa nước, nay đá vụn tràn ngập, làm cạn dòng đi. Trên đường. Thi thoảng gặp những chú trâu, lông dựng thẳng đứng đang gặm cỏ, một bé gái đang dẫn trâu đi, tay cầm một nhánh hoa rừng, xinh xinh…

Ngoài bắc có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, có vẻ không còn đúng mấy, nhất là ở vùng cao này, tết Âm Lịch vừa qua, vậy mà nhiều nơi người dân cũng đã bắt đầu gieo mạ, hoặc xới đất chuẩn bị cho một mùa vụ mới.

Đường leo dốc mỗi lúc một cao. Khi còn chừng khoảng 20km thì sương mù và… đường xấu bắt đầu “bủa vây”, xe vấp ổ gà ổ voi liên tục, mắt kính sương bám tèm nhèm, nhiệt độ lạnh tợn hơn, có lẽ dưới 5 độ, da tay bị tấy đỏ lên và lớp da cứng lại tạm thời, đếm ngược từng km đề về đến Y Tý, rồi tạm nán chân tại Nhà nghỉ trong đồn biên phòng Y Tý, ở đây cho an. Chăn thiếu ấm: mình phản hồi: chốc có chăn ấm hơn ngay. Gần đó cách chừng chục mét là quán ăn nhỏ ven đường, nhưng wifi vẫn ghi nhà hàng, thiệt oách. Nghỉ ngơi tới 2g mới ăn trưa, hai món truyền thống mà đi mấy tỉnh miền núi như vầy thường có: cải mèo và thịt heo, có cả thịt ngựa nữa nhưng mình chọn thịt heo cho lành, làm món heo rang và cải mèo xào, xong bữa trưa.

Ở đây, sương mù giăng chẳng biết làm gì, bỗng có thêm thú vui hà hơi xem “khói”. Bên ngoài, sương mù là là bay ngoài đường, rồi chui vào bên trong nhà, thấy rõ mồn một dòng sương đang len vô, hiên nhà nền gạch bông, bị sương mù làm cho ướt đẫm cả hành lang. Chỉ có bên trong phòng là khô ráo. Trời cứ tù mù cả ngày, chắc vậy nên làm đám gà trống buồn ngủ, và khi thức giấc ngỡ sang ngày mới và gáy lạc giờ, hoặc có thể chúng… ốm cũng nên.

4g40, loa phát thanh chợt toe toe một đoạn nhạc hiệu chi đó, lập lại chừng 3 lần rồi dừng, để sự tĩnh lặng lại tiếp tục bao trùm, vây kín nơi đây.

5g30, một đàn chim tíu tít bên ngoài, như thể đang vui thú một điều gì đó, chim (giống chim sẻ) ở đây hơi nhỏ hơn bình thường hay gặp, thi thoảng đang đi trên đèo, bắt gặp cả đàn, nho nhỏ vụt qua…

Ngủ một lèo tới 8g hơn, rồi thoát ra khỏi lớp chăn ấm, đi ăn tối. Món ăn vẫn vậy, nhờ chị chủ nấu khác tí món thịt để xem như là đổi món. Đang ngồi ăn thì điện chợt tắt, đèn điện sạc được thắp lên ngay. Cái lạnh nó bủa vây thấy rõ qua bữa ăn, nó làm những món khói còn đang nghi ngút, chỉ chừng độ mười phút sau đã nguội lạnh, từ cơm đến nước luộc rau…

Sau bữa ăn, mình mon men chuyển qua bàn nước trà, ngồi nói chuyện với anh chủ nhà đến tận 10g đêm… câu chuyện đi từ xã giao đến thân mật, đi từ kể chuyện trong công việc (bộ đội biên phòng) đến cá tính miền Nam và cá tính miền Bắc, qua tới chuyện gia đình, về việc chia sẻ công việc của người ngoài Bắc khác trong Nam, quanh ấm trà từ lúc đầy sang cạn, từ lúc hôi hổi nóng đến khi nguội lạnh, mới thôi… Bắt đầu quen với cái lạnh ở đây, sương mù vẫn giăng giăng chưa có dấu hiệu thuyên giảm, hứa hẹn một ngày mới lại mù sương…

Wal
12.1.2017

Hớt (cắt) tóc


Các “tiệm” hớt tóc ven đường không phải là một điểm nhấn thú vị tại Sài Gòn, nó nên nhường cho Hà Nội, nhưng nếu nói “hiếm” thì Sài Gòn cũng có thể được liệt vào. Có lẽ các “tiệm” này cũng di cư vào nam tự năm nảo năm nào theo chân những người thợ hớt tóc, và cả Sài Gòn này chắc cũng chỉ độ chừng chục “tiệm” hoặc nhỉn hơn chút, nên mới nói “hiếm” là vậy. Thi thoảng đi trên những cung đường rợp bóng cây và có phần vắng vẻ bên Quận 1, sẽ bắt gặp hình ảnh này, chủ “tiệm” đa phần người Bắc, làm mình dễ mường tượng đến một hình ảnh cổ kính, bình yên, giữa Sài Gòn tấp nập.

Như sáng nay, trên đường ra sở thú, mình gặp “tiệm” như vậy trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, khúc gần trường Trưng Vương, một ý nghĩ thoáng đến, mình vòng xe lại để chụp bức ảnh, nhưng rồi lại đi tới quyết định khác là ngồi chờ đến phiên để được hớt tóc – khi cầm điện thoại ra và thấy tin nhắn báo cuộc hẹn diễn ra trễ hơn, dù sao thì cái đầu cũng cần gọt, và mình cũng muốn thử một làn cắt tóc ngoài trời thế này, giữa những ngày cuối năm Âm lịch, trời lạnh se se giữa sáng sớm trong lành, và không giọt nắng lạc rót xuống đây…

Mình không rõ nơi nào gọi là “hớt tóc” và nơi nào thì gọi là “cắt tóc”, mình có thử hỏi một bạn ở Sài Gòn thì không hiểu hớt tóc là gì, mình ở miền Trung, thì thấy 2 từ này đều dùng thông dụng như nhau. Trong một bài viết của cụ Phan Khôi trên báo Ngày nay (Hà Nội, 1939) thì dùng từ “hớt tóc” chứ không phải “cắt tóc”, dù trong bài báo có sử dụng một vài từ cắt trong các ý khác nhau (cắt bỏ, cắt cụt, cắt ngắn, cắt đi). Hớt, theo một nghĩa Nôm là “xén cắt những phần không cần để bỏ đi” (Hồ Ngọc Đức). Cắt theo một nghĩa Nôm là “dùng vật sắc làm đứt ra” (Hồ Ngọc Đức). Từ nào cũng không phải đi vay mượn, và hợp lý, nên có thể do vùng miền mà sử dụng từ này hay kia.

Khi xưa, trước 1906 thì nam giới ở nước Việt vẫn còn để tóc dài và búi tóc lại. Nhưng sau 1906 thì có một cuộc “cách mạng” muốn đổi mới về hình thức, mà trước tiên là cái đầu, có lẽ từ nhiều nguyên do: dễ nhầm lẫn đàn ông với đàn bà nếu nhìn từ sau; nhiều người chuyển sang mặc âu phục nhưng vẫn búi tóc; việc đi du học… Việc hớt tóc “sinh sau đẻ muộn”, đồng nghĩa với việc trước đó hớt tóc không được chú trọng, vì vậy vốn từ ngữ để mô tả cho việc này không phong phú như các mối quan tâm khác lớn hơn trong đời sống hằng ngày (ví như bệnh ghẻ, chia ra đến hàng chục loại khác nhau – theo một phát hiện lý thú của Võ Phiến về việc sử dụng ngôn ngữ). Và cũng vì sinh sau đẻ muộn, nên nó đi vay mượn những từ khác để mô tả, như “cúp” (couper, tiếng Pháp), “tông-đơ” (tondeuse, tiếng Pháp) (do Pháp đang đô hộ và có sẵn vốn từ này).

***

Cái đầu mình, ít nhất là sang cấp 2 mới hết bị gọi là “nồi cơm điện” (đầu kiểu nhóc Marưkô), trước đó thì ba độc quyền khoảng cắt tóc trong nhà. Mình không nhớ rõ ba mất vị trí độc quyền này từ lúc nào nhưng chắc cũng có bị tác động bởi mấy anh em trong nhà vì tất thảy đầu tóc đều “một khuôn”, ba đành nhường lại cho mấy ông thợ hớt tóc gần nhà, thôi không giữ vị trí độc tôn nữa, từ đó mình bớt ngố hơn (ít nhất là bề ngoài). Thời đó cũng có không ít ông bố khác cũng tạo kiểu đầu cho con y chang ba mình, nên hồi đó thấy bình thường, vì ít ra cũng có bằng hữu khi mái đầu được “gọi tên”.

Đến giờ, mái đầu mình “qua bao tay”, nhưng vẫn một kiểu truyền thống: mái rẽ một bên cho đơn giản, cũng chưa rõ sau này có chuyển qua làm quả trọc hay không, nhưng chợt nghĩ đến cậu bạn, thời đại học cá độ đá banh bị thua nhiều tiền nên bị cạo còn 1 phân, đến phòng mình chơi, cô chủ nhà thấy đầu đinh gần như trọc, lại còn thẹo tùm lum, ngang dọc trên đầu như giang hồ, nhưng không dám đuổi cậu bạn, mà… đuổi mình ra khỏi nhà, cho êm!

Wal
22-23.1.17

Tết 2017 (Mùng 1- 2)


Mùng một Tết

Chuông điện thoại báo thức vẫn reo, mình phải rời chăn ấm nệm êm vội lên trên nhà tắt, sau đó lao vào chăn tiếp tới hơn 7 giờ, thấy nhà chưa ai động tĩnh bèn vác xe đi qua chùa hướng Trại Mát, rồi ghé nhà bạn gần đó chơi.
Cũng rỗi lắm, nên lúc chụp ảnh cho bạn, cất giúp luôn cái điện thoại vô túi cho đến lúc về tới nhà mới nhận ra, bèn vòng lại 1 vòng để gửi trả. Cũng may lúc về nhà kịp ăn uống để chuẩn bị chuyến đi đến Bảo Lộc vào giữa trưa. Xe chạy đến 2 giờ chiều tới bến, rồi lại chờ xe trung chuyển và ngồi thêm 15 phút nữa mới đến nhà bạn, cũng gần điểm đến hôm sau: Linh Quy Pháp Ấn.

Xế chiều ngồi hàn huyên nghe bác hàng xóm kể lại chuyện xưa, thời bác nằm trong đội BKLH, và những chuyện bên lề chiến tranh, một quá khứ buồn đặc sệt được kể ra, lan tỏa cả không gian, mùng Một tết bỗng chùng lại, giữa cái lạnh, màn đêm dần bủa vây…

Mùng 2 Tết

4 giờ ông anh lục đục thức dậy, mình cũng chợt tỉnh nhưng rồi cũng ngủ tiếp ngay sau đó, đến 5 giờ thì thức giấc, chuẩn bị, rửa mặt, làm một chút tẹo cà phê rồi cùng mọi người lái xe, leo lên chùa Linh Quy Pháp Ấn.

Sớm, sương mù giăng phủ khắp lối, phải đến 6 giờ mới tan bớt phần nào. Lối bộ lên chùa hai bên chim chóc ríu rít hót vang, tưởng như đó là thời khắc chúng chào đón ngày mới, tíu tít gọi nhau, đến lúc về thì có lẽ chúng đã bay đi đâu hết, đường chỉ còn giọng nói xen lẫn tiếng bước chân.

Ngày Tết nên chùa cũng đông nghẹt người. Khung cảnh chộn rộn, náo nhiệt làm mình cũng thấy ái ngại khi có mặt nơi đây. Ngắm bình minh nơi đây thật tuyệt diệu, mà máy ảnh không thể ghi lại hết vẻ đẹp từng thời khắc trôi qua.

7 giờ hơn, cả đoàn trở ngược lại về nhà, ăn sáng, và chơi trò may rủi bằng xì-lát, ván 1k-2k, và nhanh chóng mình giành giải quán quân người đen bạc nhất, kệ, xem như năm nay đỏ tình!

Trưa ghé qua nhà bạn của bạn của bạn ăn ké, rồi lên thêm một chùa đang xây dựng. Gần 4 giờ, lên xe về lại Đà Lạt, để tiếp tục tận hưởng cảnh mặc một lúc 2 áo ấm, và nướng tha hồ…

Wal
29.1.2017

Tết 2017 (29-30)


Sài Gòn 29 Tết

Đường buổi sáng se lạnh, cái mát dịu còn lưu giữ tới tận giữa trưa, đi trong nắng gắt gỏng vẫn dễ chịu hơn ngày thường, nhờ cái lạnh, và đường bớt ngột ngạt bởi vắng xe.

Không khí Tết tràn lan ra khắp ngõ, mọi nẻo đường, những chợ hoa nườm nượp khách đến-đi. Chợ hoa Hồ Thị Kỷ đông ngợp hơn ngày thường, họ phải chặn xe không cho băng qua đường ngay lối vào chợ, vậy mà vẫn ùn tắc. Nhà ai đó nấu bánh chưng hay bánh tét, bày ra bên lề đường giữa phố, khói bốc ra từ bếp, hơi nước bốc ra từ nồi bánh, quyện hòa vào nhau rồi pha loãng vào không khí, góp phần tạo một chút gì đó quê giữ chốn thị thành. Một vài góc phố, cờ đã được treo trước nhà, hoa đã bày trước ngõ. Chợ ở đường Cô Bắc cũng nhộn nhịp, nghe đâu sẽ bày bán thâu đêm đến hết 12g trưa ngày 30. Những đứa bé cũng theo chân bố mẹ ra ngoài sạp, vì nhà không có người trông, nằm ngủ ngon lành bên trên những tấm lót.

Đà Lạt ngày 30 Tết

Sáng sớm, xe tới nơi lúc 3 giờ. Trời khá lạnh, có lẽ chỉ chừng 14-15 độ. Xe trung chuyển “bỏ rơi” lời của mình nên chở lần lượt hết khách, còn thấy vị cuối mới hỏi đi đâu, mà lẽ ra mình đến sớm trước tiên, về tới nơi nướng tới 8g mới chịu dậy.

Trời lạnh làm chẳng muốn đi đâu, suốt ngày ngồi nhà, đi xuống đi lên, ngồi chơi với cháu, hoặc cày mấy game băng kinh điển thuở bé hay chơi, mãi đến chiều mới ra ngoài ngắm cảnh.

Đà Lạt mấy ngày này đào vẫn chưa rộ nở, chỉ lác đác vài cây ra hoa nhiều, trong đó vài ba cây hoa chi chít. Hoa ban thì đã nở khắp các cung đường có trồng, tuyệt đẹp. Lang thang mãi hướng đến Trại Mát để tìm dấu tích một cây đào đang nở rất đẹp nhưng mãi không ra vì người chỉ sai hướng (bên trái thay vì bên phải), mình lạc qua một ngôi biệt thự cũ phía trước cổng và tường rào có trồng cây hoa hồng, cao to, mường tượng tuổi thọ cây chắc cũng bằng ngôi nhà, đẹp ngẩn ngơ. Mình cũng tranh thủ lượn vô các hẻm nhỏ và lạc vào một đường đất, hai bên là rừng thông, nắng chiều sắp tắt vàng vọt chiếu tỏa xuyên qua những hàng cây, cung đường nhuốm lên màu nắng, rực rỡ vào cuối chiều, phía xa xa bên kia đồi là những ngôi nhà lấp ló, nhấp nhô bên những hàng thông, khói tỏa lên từ một nhà nào đó, trắng bàng bạc, quyện hòa vào màn sương đang giăng giăng.

Hiện tại (9g tối) đang là 14 độ C, chỉ muốn an vị trong nhà cho ấm, bạn bè có rủ, mình cũng bảo ngại, không tiện đi, vì giờ này ôm chăn sẽ không có gì tuyệt hơn!

Wal
27.1.2017