Hớt (cắt) tóc


Các “tiệm” hớt tóc ven đường không phải là một điểm nhấn thú vị tại Sài Gòn, nó nên nhường cho Hà Nội, nhưng nếu nói “hiếm” thì Sài Gòn cũng có thể được liệt vào. Có lẽ các “tiệm” này cũng di cư vào nam tự năm nảo năm nào theo chân những người thợ hớt tóc, và cả Sài Gòn này chắc cũng chỉ độ chừng chục “tiệm” hoặc nhỉn hơn chút, nên mới nói “hiếm” là vậy. Thi thoảng đi trên những cung đường rợp bóng cây và có phần vắng vẻ bên Quận 1, sẽ bắt gặp hình ảnh này, chủ “tiệm” đa phần người Bắc, làm mình dễ mường tượng đến một hình ảnh cổ kính, bình yên, giữa Sài Gòn tấp nập.

Như sáng nay, trên đường ra sở thú, mình gặp “tiệm” như vậy trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, khúc gần trường Trưng Vương, một ý nghĩ thoáng đến, mình vòng xe lại để chụp bức ảnh, nhưng rồi lại đi tới quyết định khác là ngồi chờ đến phiên để được hớt tóc – khi cầm điện thoại ra và thấy tin nhắn báo cuộc hẹn diễn ra trễ hơn, dù sao thì cái đầu cũng cần gọt, và mình cũng muốn thử một làn cắt tóc ngoài trời thế này, giữa những ngày cuối năm Âm lịch, trời lạnh se se giữa sáng sớm trong lành, và không giọt nắng lạc rót xuống đây…

Mình không rõ nơi nào gọi là “hớt tóc” và nơi nào thì gọi là “cắt tóc”, mình có thử hỏi một bạn ở Sài Gòn thì không hiểu hớt tóc là gì, mình ở miền Trung, thì thấy 2 từ này đều dùng thông dụng như nhau. Trong một bài viết của cụ Phan Khôi trên báo Ngày nay (Hà Nội, 1939) thì dùng từ “hớt tóc” chứ không phải “cắt tóc”, dù trong bài báo có sử dụng một vài từ cắt trong các ý khác nhau (cắt bỏ, cắt cụt, cắt ngắn, cắt đi). Hớt, theo một nghĩa Nôm là “xén cắt những phần không cần để bỏ đi” (Hồ Ngọc Đức). Cắt theo một nghĩa Nôm là “dùng vật sắc làm đứt ra” (Hồ Ngọc Đức). Từ nào cũng không phải đi vay mượn, và hợp lý, nên có thể do vùng miền mà sử dụng từ này hay kia.

Khi xưa, trước 1906 thì nam giới ở nước Việt vẫn còn để tóc dài và búi tóc lại. Nhưng sau 1906 thì có một cuộc “cách mạng” muốn đổi mới về hình thức, mà trước tiên là cái đầu, có lẽ từ nhiều nguyên do: dễ nhầm lẫn đàn ông với đàn bà nếu nhìn từ sau; nhiều người chuyển sang mặc âu phục nhưng vẫn búi tóc; việc đi du học… Việc hớt tóc “sinh sau đẻ muộn”, đồng nghĩa với việc trước đó hớt tóc không được chú trọng, vì vậy vốn từ ngữ để mô tả cho việc này không phong phú như các mối quan tâm khác lớn hơn trong đời sống hằng ngày (ví như bệnh ghẻ, chia ra đến hàng chục loại khác nhau – theo một phát hiện lý thú của Võ Phiến về việc sử dụng ngôn ngữ). Và cũng vì sinh sau đẻ muộn, nên nó đi vay mượn những từ khác để mô tả, như “cúp” (couper, tiếng Pháp), “tông-đơ” (tondeuse, tiếng Pháp) (do Pháp đang đô hộ và có sẵn vốn từ này).

***

Cái đầu mình, ít nhất là sang cấp 2 mới hết bị gọi là “nồi cơm điện” (đầu kiểu nhóc Marưkô), trước đó thì ba độc quyền khoảng cắt tóc trong nhà. Mình không nhớ rõ ba mất vị trí độc quyền này từ lúc nào nhưng chắc cũng có bị tác động bởi mấy anh em trong nhà vì tất thảy đầu tóc đều “một khuôn”, ba đành nhường lại cho mấy ông thợ hớt tóc gần nhà, thôi không giữ vị trí độc tôn nữa, từ đó mình bớt ngố hơn (ít nhất là bề ngoài). Thời đó cũng có không ít ông bố khác cũng tạo kiểu đầu cho con y chang ba mình, nên hồi đó thấy bình thường, vì ít ra cũng có bằng hữu khi mái đầu được “gọi tên”.

Đến giờ, mái đầu mình “qua bao tay”, nhưng vẫn một kiểu truyền thống: mái rẽ một bên cho đơn giản, cũng chưa rõ sau này có chuyển qua làm quả trọc hay không, nhưng chợt nghĩ đến cậu bạn, thời đại học cá độ đá banh bị thua nhiều tiền nên bị cạo còn 1 phân, đến phòng mình chơi, cô chủ nhà thấy đầu đinh gần như trọc, lại còn thẹo tùm lum, ngang dọc trên đầu như giang hồ, nhưng không dám đuổi cậu bạn, mà… đuổi mình ra khỏi nhà, cho êm!

Wal
22-23.1.17

Bình luận về bài viết này