Hà Nội: 25.11. Xã Hồng Sơn


25.11

Xã Hồng Sơn, Huyện Mỹ Đức

Buổi sớm, chợ cóc mọc ngay đầu ngõ, chợ tập trung đến tầm 9-10g là tan. Em cùng đứa cháu đi chợ về, mà thực ra là chỉ bước vài bước chân ra khỏi cửa, mang vào bánh trôi và bánh giày để ăn sáng. Có lẽ có duyên với món bánh trôi này, hay vì món này phổ biến mà mấy lần thấy vào buổi sớm ở Hà Nội nhưng chưa lần nếm thử.

Gần nhà, phía đầu làng là một ngôi đình cổ, không rõ có tự bao giờ, bác trai kể, hơn 150 năm trước, từ đời ông của bác khi sinh ra ngôi đình đã có mặt tại nơi này rồi. Trước đình là một giếng làng, bị lấp đi có lẽ từ trước thập niên 90, nên khi hỏi thì em không hề biết, giờ đây khuôn viên giếng làng ngày xưa ấy đã được trồng hàng cau cùng khoảng sân thoáng rộng. Cuối làng là quán, cũng được xây dựng từ rất lâu và hiện là di tích của làng. Hằng năm cứ vào dịp tết đều có lễ rước kiệu từ quán ra đình và trở ngược lại. Người nơi đây bảo, nhờ có đình đầu làng, có quán cuối làng mà cuộc sống người dân trong làng luôn may mắn. Làng tập trung nhà họ Vương cũng khá nhiều, mỗi năm cứ vào dịp tết, sau lễ rước thì mọi người lại quây quần về nhà trưởng họ. Cái nếp vẫn giữ tự bao đời.

Đình tại Xã Hồng Sơn
Đình tại Xã Hồng Sơn

Sớm Hồng Sơn, sương mù giăng phủ, không dày, cứ lờ lờ ôm trọn cả vùng quê, làm đất trời thêm mờ ảo. Cơn mưa phùn buổi sớm làm ướt đẫm khoảng sân trước nhà. Mưa tựa mưa xuân. Những ngọn núi xa xa xếp lớp ẩn mình sau những màn sương mỏng, gần hơn là những cánh đồng lúa rộng thênh thang sau mùa thu hoạch, chúng được khoác một lớp màu vàng nâu, chờ vụ mùa kế tiếp, xen lẫn là những ao, hồ, mặt nước phẳng lặng như tờ, tựa những chiếc gương tự nhiên khổng lồ phản chiếu hình ảnh núi non, đất trời một cách chính xác. Tất cả hiện bày như một bức tranh thủy mạc đẹp khó tả hết thành lời.

Sương khói buổi sớm tại Hồng Sơn
Sương khói buổi sớm tại Hồng Sơn

Để em cầm lái dẫn đường. Xe chầm chậm chạy qua những cánh đồng đậu đang trong vụ mùa, mà có lẽ chỉ vài ba tuần nữa thôi sẽ thu hoạch để bắt đầu cho vụ lúa mới. Trước mặt, xa xa kia là núi Yên Ngựa, em giải thích, đơn giản là hình thù giống yên ngựa nên gọi thế thành tên. Kế bên, phía phải là ngọn núi Mối, bởi hình dáng giống con thạch sùng, xưa em vẫn hay chạy dọc trên “thân” nó từ “đầu” đến tận “đuôi” rồi vòng về. Gọi là núi nhưng thấp, nên có thể cũng gọi là đồi. Ở phần “đầu” được đặt một bức tượng Quán Thế Âm nhìn hướng xa xa về các dãy núi đối diện, nơi có núi Chùa Cao – nơi hằng năm vào dịp đầu năm dân làng thường ghé đến.

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh…

***

… Em, mấy năm rồi mới gặp lại. Có lần nào đó nói chuyện, em bảo khác trước nhiều, nhưng thực thì chẳng khác xưa. Vẫn vẹn ấn tượng như lần đầu gặp năm nào, một hồn Bắc nhè nhẹ, dịu dàng, sâu sắc… chất mà chẳng rõ tự bao giờ trong ta định hình là đẹp để mình luôn tôn quý, trân trọng, nâng niu.

***

Xe lại chuyển bánh quay ra đến điểm đón xe buýt về lại Hà Nội. Em chỉ lối đi dọc bờ sông Đáy, đoạn sông này dòng nước vẫn còn rất sạch. Xe cũng phải tạm dừng sau mấy lần bảo thôi, cảnh đẹp thực sự khó hững hờ được. Xa xa bên dưới là phà nối hai bờ sông Đáy, được làm từ những chiếc ghe nhỏ ghép lại, bên trên là những ván gỗ được đóng chặt cố định, vì thế mỗi khi xe hoặc người qua, tiếng lọc cọc vang vẳng đến tận góc này.

Bên sông Đáy
Bên sông Đáy

Xe đến trạm dừng, xe buýt cũng vừa ghé bến. Tạm biệt em, lòng trống trải…