Hẹn một ngày về


Đêm về, khi nhạc cổ điển nghe không lọt tai, và cả khi nhạc Bach cũng bỏ ngang, lại tìm về dòng nhạc xưa, như một nguồn tựa dạt dào.


Đêm về, khi nhạc cổ điển nghe không lọt tai, và cả khi nhạc Bach cũng bỏ ngang, lại tìm về dòng nhạc xưa, như một nguồn tựa dạt dào.

Ngồi lục lọi rồi tình cờ tìm vào CD tuyển chọn số 2, sắp sửa ghi tặng cho những người bạn yêu nhạc xưa, và rồi bị cuốn vào giọng Kim Tước, hẹn một ngày về.

Có nhiều người không thích lắm chất giọng cao vút và rất phù hợp với những ca khúc mang âm hưởng thính phòng, bán cổ điển Tây phương của Kim Tước. Có lẽ vì biết điều đó, nên những ca khúc Kim Tước chọn, đa phần đều hơi hướm như trên. Và, cũng rất nhiều ca khúc dường như viết ra chỉ dành cho chất giọng Kim Tước mà thôi.

Hát về Huế, phải là những người con xứ Huế, trong đó phải kể đến Hà Thanh và Quỳnh Giao, ca khúc Hẹn một ngày về, Hà Thanh và Quỳnh Giao cũng có ít nhất 1 bản thu.

Viết về Huế, đã không biết bao nhiêu nhạc sĩ khai thác và cũng không ít những tác phẩm vốn đã đi vào lòng người, đó là những ca khúc mang nét nhạc, giai điệu, và cả những ca từ từ phảng phất đến đậm chất Huế, để khi khúc nhạc vừa rót vào tai, người nghe dễ dàng cảm nhận ra ngay…

Viết về Huế, cũng không hẳn phải là những con người gốc gác Huế mới cảm nhận được hương nước hồn quê. Duy Khánh để lại trong lòng người nghe Ai ra xứ Huế, Dương Thiệu Tước với Tiếng xưa, Đêm tàn bến Ngự…

Lê Hữu Mục cũng đã để lại trong lòng người nghe nhạc, cho vùng đất kinh kỳ một tác phẩm, Hẹn một ngày về, có khác biệt so với các nhạc sĩ khác khi nét nhạc mang âm hưởng bán cổ điển phương tây.

Về đây trong hoa lá
Hỡi cánh chim giang hồ.
Về đây trong hương sắc
Thắm tươi say mơ.
Huế lờ lững dòng Hương
Năm tháng còn vương
Lời ai mong chờ.
Huế trong tiếng dịu êm
Cô lái bên sông
Còn vang lời thơ.

Tình xưa không vỡ bao giờ.
Mùa xưa còn thơm ngàn gió.
Chiều hè về trong sương khói mong manh
Chờ người về trong hương thu trong xanh

Về đây trong hoa lá
Hỡi cánh chim giang hồ.
Về đây trong hương sắc
Thắm tươi say mơ.
Huế lờ lững giòng Hương
Năm tháng còn vương
Lời ai mong chờ
Huế trong tiếng dịu êm,
Cô lái bên sông
Còn vang lời thơ

Mùa hương hẹn đến khi về,
Lòng xanh còn in trời Huế.
Trầm trầm thuyền đem thương nhớ qua sông.
Chập chùng trời mây bay trong mênh mông

Từ đây xa sông bến
Thuyền lướt theo trăng ngà
Trời đầy sương lạnh lẽo,
Có ai bơ vơ.
Gỡ tay vướng mà đi,
Sông nước biệt ly,
Người xa kinh kỳ.
Giữa sương gió ngàn khơi,
Đăm đắm trông ai,
Cầu mong ngày vui.

Biệt ly, chủ đề vốn dễ làm lay động lòng người, dù xuất phát từ tình cảm lứa đôi hay tình yêu quê hương đất nước

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn

Vì vậy dù là một nơi từng đặt chân qua và lưu lại trong một phần rất ngắn của quảng đời, cũng để lại những ấn tượng khó phai, đủ để da diết nhớ.

Đất cố đô, với đầy những nét dẹp từ cảnh sắc đến văn hóa, làm lòng người dễ rung động, thơ thẩn hơn khi một ngày phải nói chia xa xứ này.

Nếu không chú ý đến lời thì có lẽ nhiều người cũng không nghĩ rằng đây là một ca khúc viết về Huế, bởi nó mang nét nhạc hơi hướm bán cổ điển phương Tây. Đã từng nghe qua các bản thu, vẫn thấy những bản thu của Hà Thanh, Quỳnh Giao đều rất hay. Song, tôi đặc biệt chú ý đến bản thu của Kim Tước ngay lần đầu khi nghe ca khúc này, có lẽ một phần vì quá thiên vị, ưu ái cho ban nhạc Tiếng Tơ Đồng, cho Hoàng Trọng – người đã thổi hồn cho tác phẩm thêm sống động hơn qua phần hòa âm. Ca khúc thêm điểm nhấn, thêm nhung nhớ, vấn vương, dễ thêm nặng lòng người nghe khi lặp lại chỉ mỗi bản thu này. Nhẹ nhàng, mộc mạc, mang mác và đậm Huế hơn có thể tìm đến bản thu của Hà Thanh, cả trước và sau 1975, đều tuyệt.

***

Nghe đâu đó câu: “Tôi yêu quê hương, nhưng không yêu chế độ”... Dẫu lòng người có tuyệt tình với người thì cũng không đành lòng nói tiếng ấy với quê hương, đất mẹ…

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”

WAL
15.7 – 14.9.2011

Tải về các bản thu của Kim Tước, Hà Thanh, Quỳnh Giao
Hẹn một ngày về

Bình luận về bài viết này