Rơi (3)


Trở lại Rơi, sau một khoảng thời gian dài không ghé, từ lần đi nghe nhạc hụt cùng người bạn. Hôm nay thì chẳng hụt nữa rồi!


Trở lại Rơi, sau một khoảng thời gian dài không ghé, từ lần đi nghe nhạc hụt cùng người bạn. Hôm nay thì chẳng hụt nữa rồi!

Mở màn đêm nhạc là một tình khúc của Trịnh, Hãy yêu nhau đi, gắn kết vô hình những con tim đang ngồi trong khán phòng với Rơi, và cả với nhau.

Tiếp nối, vẫn dòng nhạc Trịnh, Diễm xưa
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…

Mưa, thường làm những tâm hồn vốn ưu tư lòng thêm chùng lại. Mấy hôm nay, những cơn mưa lạ thường bấ chợt đổ ào về phố thị, để cho những suy tư về thời cuộc lại có cơ hội suy diễn, tựa đó là những giọt lệ của chiến tranh, của những tai ương đâu đó đang diễn ra trong hiện tại này.

Xé toang không khí trầm lắng bằng một ca khúc tươi vui của Văn Phụng, Vó cau muôn dặm. Nhạc xưa, có không nhiều tác phẩm viết theo điệu pasodouble, cà cũng không mấy tác phẩm nổi tiếng được lưu danh, Văn Phụng ít ra cũng đã góp vài bài trong số đó.

Nét nhạc của Văn Phụng có gì đó trong sáng, dẫu trong cả những lúc buồn, như trong tác phẩm được trình bày tiếp theo, Tôi đi giữa hoàng hôn. Người nghệ bước đi vô định, tìm về những ký ức xưa, hay tìm về người xưa… Giữa cõi hoài niệm phảng phất u buồn, người nghệ sĩ vẫn sáng mãi một niềm tin, tôi vẫn đi giữa hoàng hôn, chia ly rồi cũng có ngày hội ngộ, và hội ngộ cũng có ngày phải nói chia ly…

Em ơi! xin em, xin em nói yêu đương đậm đà
Để rồi ngày mai cách xa
(Lời gọi chân mây, Lê Uyên Phương)

Tình khúc của Lê Uyên Phương luôn vậy, phảng phất một dự báo bất an, dù tình còn nồng trên đôi môi…

Và rồi âm nhạc dẫn người nghe quay về một chốn thần tiên, nơi tiếng sáo thiên thai vọng về. Thiên thai, cõi nào, để rồi bao áng văn, thơ, nhạc tốn không ít giấy mực để gắng mô tả về. Thiên thai, rốt cuộc cũng chỉ là chốn tiên cảnh do người phàm vẽ nên…

Tiếp theo là 3 tác phẩm nhạc nhẹ khác, thoát khỏi không gian nhạc xưa, và rồi, lại tiếp tục ru hồn người quay lại với dòng nhạc trữ tình của Ngô Thụy Miên, Mùa thu cho em. Sau đó là Phạm Duy, Bên ni bên nớ, và lại tiếp tục…

“Qua bao con đường, qua bao phố phường lê mòn gót chân, chim muông bên rừng trở mình về đón mừng.”
(Uống nước bên bờ suối, Lê Uyên Phương)

theo gót chân của những kẻ du ca, trở về cao nguyên của bạt ngàn tiếng thông reo. Rồi lại quay về với những lời ca mộc mạc, bình dị, chân thành trong Niệm khúc cuối, để ai đó trong khán phòng bấc giác hòa điệu ngân theo.

Thời gian thì vẫn cứ trôi, 10 giờ, cũng vẫn ngần ấy khách. Rong khúc được cất lên, một khúc rong ca rất đỗi đáng yêu của một người từng trải, chở về những trải nghiệm trong cõi nhân sinh.

Lần đầu tiên khi nghe tác phẩm này được trình bày tại Rơi, liền về nhà tìm bản thu để được nghe lại, nhưng không ưng ý, cách hòa âm lẫn cách trình bày tại Rơi làm người nghe như bị cuốn vào mà không dễ dứt ra.

Anh đã rong chơi khắp nẻo đường trần
Anh đã quên đi những nẻo đường tiên
Chân đã tung tăng khắp nẻo đường đời
Anh đã cho Anh sống thật đầy vơị

Ta vứt sau ta những nẻo đường trần
Ta vút bay theo những nẻo đường tiên
Nhưng nếu mai sau, ai gọi Người Tình
Anh sẽ quay lưng bước về nẻo xanh.
(Rong khúc, Phạm Duy)

Wal, 27-28.03.2011

Rong khúc (Phạm Duy) – Rơi trình tấu

Piano, violin, guitar

Piano, violin, giọng hát

6 bình luận về “Rơi (3)

    1. Cafe Rơi, 92 Đinh Tiên Hoàng, Q. Bình Thạnh (nằm ở giữa khoảng siêu thị coopmart Đinh Tiên Hoàng với cầu Bông)

      Ở đây thì chơi nhạc sống, hòa tấu piano, violin, guitar và cả hát. Nếu đến đây để nói chuyện thì không hợp, khi cần thưởng thức, hãy đến đây. Có thể đến sớm, ngồi nói chuyện đến khoảng 8g20, sau đó thì lặng im, để bắt đầu chương trình hòa nhạc của Rơi. Quán mở từ thứ 3-CN, chỉ mở vào ban đêm.

      Thích

      1. @ Nguyễn Võ Lâm : Nghe mà mình rất muốn đi thử, bạn có thể cho mình hỏi thăm quán mở cửa từ mấy giờ ko?

        Thích

      2. Thật tiếc ha, xem thêm trên Youtube thấy thật hay. Ko biết bạn có biết quán cafe nhạc cổ điển nào khác ở TPHCM ko? Cảm ơn bạn trước,

        Thích

Bình luận về bài viết này